Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Những phẩm chất giúp con người thành công


Image
1. Khao khát
Niềm khao khát cháy bỏng muốn đạt được mục đích là động lực mạnh mẽ đưa con người tới thành công. Napoleon Hill từng viết: “Bất cứ điều gì tâm trí con người có thể hình dung và tin tưởng thì điều đó có thể thực hiện được”.


Một thanh niên hỏi Socrates về bí quyết thành công. Socrates bảo chàng trai sáng mai đến tìm ông gần dòng sông trong thành phố. Khi họ gặp nhau, Socrates bảo người thanh niên đi dọc bờ sông với ông. Tới chỗ nước sâu, nhân lúc chàng trai sơ ý, Socrates xô cậu ta xuống nước. Cậu ta vùng vẫy cố ngoi lên nhưng Socrates khoẻ hơn và ghìm cậu xuống. Tới khi cậu tím tái cả mặt, Socrates mới nâng đầu cậu khỏi mặt nước. Việc đầu tiên cậu làm là há miệng thở một hơi thật sâu. Socrates mới hỏi: “Vừa rồi khi ở dưới nước, anh muốn điều gì nhất?” Cậu ta đáp: “Không khí”. Socrates mới bảo: “Đó chính là bí quyết thành công. Khi anh mong muốn thành công mạnh mẽ như anh muốn có không khí lúc ở dưới nước thì anh sẽ có được nó ngay thôi. Chẳng có bí quyết nào khác cả”. 

Khao khát cháy bỏng là điểm khởi đầu cho mọi thành tựu. Một đốm lửa nhỏ không thể toả nhiều nhiệt lượng; cũng vậy, một khao khát yếu ớt chẳng bao giờ đưa đến kết quả lớn lao.

Image
2. Sự cam kết

“Đừng cố làm người thành công mà hãy gắng trở thành người có giá trị.”
-       Albert Einstein -
Sự chính trực và thông tuệ là hai cột trụ chính chống đỡ và duy trì sự cam kết. Một nhà quản lý từng khuyên nhân viên của mình  rằng: “Chính trực là duy trì cam kết của bản thân dù phải tốn kém bao nhiêu chăng nữa, còn thông tuệ  là đừng bao giờ tạo ra những cam kết ngốc nghếch như vậy”.

Thịnh vượng hay thành công đều là kết quả của tư duy và lựa chọn của con người. Lựa chọn suy nghĩ nào sẽ chi phối cuộc đời mình cũng là vì chính bản thân mình. Thành công không phải là chuyện ngẫu nhiên mà là kết quả của thái độ sống.

Phải có sự cam kết mới đạt được thành công

Giữa chơi để thắng và chơi để đừng thua có sự khác biệt lớn. Khi chơi để thắng, ta vào trận với sự nhiệt tình và quyết tâm cao độ; trong khi đó chơi để đừng thua nghĩa là chơi để tránh thất bại và đang ở vào vị trí yếu thế. Ai cũng muốn chiến thắng nhưng rất ít người chuẩn bị tâm lí sẵn sàng trả giá cho chiến thắng ấy. Người chiến thắng tạo dựng môi trường cho mình và cam kết nỗ lực vì chiến thắng. Chơi để thắng xuất phát từ cảm hứng, trong khi đó chơi để đừng thua xuất phát từ sự tuyệt vọng.

Chẳng có môi trường sống nào tuyệt đối lý tưởng. Để đạt được mục đích trong đời, bạn không thể phó mặc số phận hoặc cứ neo đậu một chỗ. Có khi bạn phải nương theo gió và có khi đi ngược hướng gió, nhưng dù theo hướng nào chăng nữa bạn đều phải giương buồm lên.

Bạn thử hỏi huấn luyện viên hoặc vận động viên thể thao xem sự khác biệt giữa đội chơi hay và đội chơi dở là gì. Chắc chắn, họ sẽ trả lời cho bạn rằng, sự khác biệt ấy không nằm ở thể chất, năng khiếu, hay khả năng, mà nằm ở tinh thần thi đấu. Đội chiến thắng có sự quyết tâm và nỗ lực hết mình. Khao khát chiến thắng của họ lớn hơn. Với họ, thi đấu càng gian khó thì:

  • Tinh thần càng được khích lệ
  • Động cơ càng lớn
  • Thành tích càng cao
  • Thắng lợi càng ngọt ngào

Thử thách giúp phát huy tiềm năng. Hầu hết vận động viên đều đạt thành tích tốt nhất khi gặp nhiều vấn đề bất lợi. Khi ấy, họ phải cậy đến sức mạnh tinh thần dự trữ của mình.

“Khi mệt mỏi và muốn ngừng lại, tôi thường tự hỏi không biết đối thủ sắp tới của mình lúc này đang làm gì. Chỉ cần hình dung rằng họ vẫn đang tập luyện, tôi liền tự nhủ mình cần phải cố lên. Khi nghĩ họ đang tắm táp nghỉ ngơi, tôi lại phải càng khổ luyện hơn nữa.”
-Dan Gable- VĐV đấu vật, HCV Olympic

Ý nghĩa thành công không nằm ở thành tích đạt được mà ở việc đạt được thành tích ấy. Có những người không bao giờ cố gắng vì sợ thất bại. Cùng lúc, họ không muốn sống với vị trí hiện tại vì sợ mình bị tụt hậu. Đường nào cũng tiềm ẩn nguy cơ. Chuyến tàu ra khơi cũng là chuyến tàu đối mặt với nguy cơ gặp giông bão, nhưng nếu cứ neo trong cảng, nó sẽ bị gỉ sét. Chơi vì chiến thắng khác với chơi để đừng thua ở chỗ sự quyết tâm luôn đi đôi với việc đối mặt nguy cơ. Người chơi để thắng thành công trong áp lực còn người chơi để đừng thua không biết cách thành công.

Áp lực khiến người chơi vì chiến thắng phải chuẩn bị tốt hơn. Với người chơi để đừng thua, áp lực làm họ hao mòn dần sinh lực. Họ muốn chiến thắng, nhưng lại sợ thua đến nỗi không thể phát huy hết tiềm năng của mình. Họ tiêu hao sinh lực vì lo lắng thua cuộc thay vì tập trung vào nỗ lực giành chiến thắng.

Người thua cuộc chỉ muốn được yên phận; người chiến thắng tìm kiếm cơ hội.

Thất bại không có lỗi mà thiếu nỗ lực mới chính là có lỗi với bản thân.

Niềm tin đưa đến cam kết nỗ lực

Ưu tiên và niền tin khác nhau. Trái với ưu tiên, ở niềm tin không có sự thương lượng. Ưu tiên phải nhường bước trước áp lực; còn niềm tin lại mạnh mẽ hơn nhiều. Điều này lí giải tại sao phải có một hệ thống giá trị nhân phẩm tốt đẹp làm nền tảng cho niềm tin của mình, bởi niềm tin sẽ dẫn đến sự cam kết nỗ lực.

Image
3.Trách nhiệm
“Khi bổn phận trở thành niềm đam mê, nó sẽ đem đến hạnh phúc”
- George Gritter -
Người có nghị lực biết nhận trách nhiệm. Họ quyết đoán và tự tạo nên số phận cho chính mình. Gánh vác trách nhiệm buộc họ phải chấp nhận liều lĩnh và biết lý giải hành động của mình.

Có những người thà an phận trong mội trường quen thuộc còn hơn phải gánh vác trách nhiệm. Họ thụ động chờ thành công đến thay vì chủ động biến điều đó thành hiện thực. Gánh vác trách nhiệm đòi hỏi phải biết liều lĩnh một cách có tính toán chứ không phải dại dột. Nghĩa là biết nhìn nhận tất cả lợi hại rồi định ra kế sách hay hành động thích hợp nhất. Người có trách nhiệm không cho rằng cuộc đời mình là do số trời định đoạt.

Không thể giàu sang nếu không biết tằn tiện.

Không thể khiến kẻ yếu mạnh lên bằng cách làm suy yếu người mạnh

Không thể giúp người nghèo giàu lên bằng cách lấy của người giàu chia cho người nghèo

Không thể thiết lập sự an toàn bền vững bằng đồng tiền vay mượn

Không thể giúp người làm công ăn lương bằng cách khiến người chủ sụp đổ

Không thể xây dựng nghị lực và can đảm bằng cách chiếm đoạt sáng kiến và sự độc lập của người khác

Không thể truyền bá tình anh em bằng cách kích động lòng thù hận

Không thể tránh rắc rối bằng việc tiêu xài phung phí

Không thể giúp đỡ người khác về lâu dài bằng cách làm giúp những gì họ có thể và nên làm cho chính mình
- Abraham Lincoln -

Khi leo lên núi băng hay tham gia chiến đấu, chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng đủ khiến bạn mất mạng . Tuy nhiên, phản ứng như thế nào trước lỗi lầm của bản thân quan trọng hơn việc phạm lỗi. Người có trách nhiệm biết nhận lỗi và rút kinh nghiệm từ lỗi lầm của bản thân

Ba cách ứng xử thường gặp sau khi phạm lỗi là:
  • Phớt lờ
  • Phủ nhận
  • Nhận lỗi, rút kinh nghiệm và không lặp lại sai phạm đó

Phương án thứ ba đòi hỏi phải có lòng can đảm, cũng nhiều mạo hiểm nhưng có giá trị hơn nhiều. Ngược lại, nếu chọ hai phương án đầu, chẳng khác nào chúng ta bảo thủ, biện minh cho điểm yếu của bản thân. Và như vậy, mãi mãi chúng ta sẽ chẳng thể nào tiến bộ được

Tại tiệc liên hoan chia tay, trước khi về hưu, vị chủ tịch của một tập đoàn nọ tặng hai phong bì có đánh dấu số 1 và 2 cho người kế nhiệm và bảo:” Mỗi khi anh gặp vấn đề quản lý gì đó không tự giả quyết được, hãy mở phong bì số 1 ra xem. Lần sau, lại mở tiếp phong bì số 2”.

Vài năm sau, công ty xảy ra chuyện nghiêm trọng. Chủ tịch mở két sắt lấy ra phong bì số 1. Nôi dung thư như sau: “ Cứ đổ lỗi cho người tiền nhiệm”. Mấy năm sau cũng gặp chuyện rắc rối, ông tìm chiếc phong bì số 2, chỉ thấy vẻn vẹn một dòng chữ: “ Hãy chuẩn bị hai phong bì cho người sắp kế nhiệm”.

Image
4. Sự nỗ lực
“May mắn ư? Tôi không biết may mắn là gì cả. Tôi chưa bao giờ trông chờ điều đó, thậm chí còn ngại tiếp xúc với những người gặp may. Với tôi chỉ có sự nỗ lực và nhận biết cái gì là cơ hội cho mình, cái gì là không.”
                                                                                          -Lucille Ball -
Ai cũng thích chiến thắng, nhưng không phải ai cũng nỗ lực và đầu tư thời gian chuẩn bị giành thắng lợi.

Điều đó đòi hỏi sự hy sinh và kỷ luật tự giác. Không có gì thay thế được sự nỗ lực. Henry Ford từng nói: “Càng nỗ lực làm việc, càng may mắn hơn nhiều”. 
Trong cuộc sống, rất nhiều người có tinh thần lao động cao. Và với những người này, nhà tuyển dụng sẵn sàng mở rộng cửa chào đón họ. 
Ta không thể học đánh vần nếu cứ ngồi lên quyển từ điển, cũng không thể phát huy khả năng nào đó nếu không nỗ lực. Người chuyên nghiệp làm việc trôi chảy bởi họ nắm vững quy tắc của bất kỳ công việc nào cần làm. 
Người trung bình dành 25% năng lượng và khả năng cho công việc. Thật đáng trân trọng với những ai biết đầu tư hơn 50 % năng lực của mình, và thật sửng sốt trước những người đôi khi đầu tư 100% nỗ lực và khả năng của bản thân.
- Andrew Carnegie -
Người thành công hỏi về mức độ công việc nhiều chứ không phải ít như thế nào. Họ quan tâm làm việc nhiều giờ chứ không giảm bớt. Nhạc công giỏi thường luyện đàn nhiều tiếng liền hàng ngày. Người thành công không cần phải giải thích cho thành tích đạt được vì họ đã vất vả, nỗ lực trong một thời gian dài. 
Mọi thứ chúng ta tận hưởng đều là thành quả nỗ lực của người khác. Có khi ta nhìn thấy, cũng có khi không, nhưng hết thảy đều quan trọng. Vì vậy, hãy tự hào với công sức của mình và mỗi khi có dịp, hãy cảm kích sự khó nhọc của người khác qua cách đối xử tôn trọng, chu đáo. Nỗ lực và làm tốt, bạn sẽ được nếm trải cảm giác thỏa mãn khi nhìn thấy thành quả của mình. Đôi khi người khác cũng cảm kích thành quả ấy, nhưng phần lớn nhất vẫn là sự mãn nguyện của bản thân. 
Có người ngừng làm ngay khi tìm được công việc. Họ không hiểu ăn không ngồi rồi và rảnh rỗi khác nhau như thế nào. Thừa thời gian mà không làm gì tức là lãng phí hoặc ảnh hưởng thời gian người khác. Sự lười nhác sẽ rút dần sinh khí và nhiệt tình của con người. Trái lại, khi làm việc hết mình và phải tranh thủ thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi tăng thêm sinh lực, người ta sẽ cảm thấy sảng khoái và mãn nguyện hơn. 
Sự vượt trội không phải do may mắn mà là thành quả của rất nhiều nỗ lực và luyện tập. Nỗ lực và luyện tập khiến cho con người ngày càng thạo hơn trong bất kỳ việc gì mình làm. 
Bản thân sự nỗ lực vừa là khởi đầu vừa là kết thúc của hành trình. Càng chăm chỉ làm việc, người ta càng cảm thấy thoải mái hơn; càng thoải mái hơn họ càng chăm chỉ hơn. Ý tưởng hay nhất cũng vô dụng nếu nó không được ứng dụng vào thực tiễn. Có tài mà thiếu ý chí sẽ chẳng làm nên điều gì. 
Có lần Fritz Kreisler- một nghệ sỹ violin lỗi lạc vừa chơi xong bản nhạc, một khán giả lên sân khấu và ngưỡng mộ bảo: “Tôi sẵn sàng đánh đổi cả đời mình để có thể chơi nhạc như ngài”. Nghệ sỹ đáp: “ Thì tôi đã làm như vậy đấy!”. 
Thực tế, thành công chỉ đến với người hành động chứ không phải người đứng nhìn. Ngựa bận kéo hàng sẽ không thể nào vung chân đá; ngựa đá lại không biết kéo hàng. Hãy nỗ lực vì cuộc sống thay vì sao nhãng mục đích cần đạt được. Không có nỗ lực, sẽ không có thành công. 
Thiên nhiên ban cho loài chim thức ăn nhưng không để sẵn trong tổ. Chúng phải bay đi tìm mồi. Chẳng có gì đến một cách đễ dàng cả. Hàng ngày nhà văn Milton phải dậy từ lúc 4h sáng để hoàn thành kiệt tác Paradise Lost (Thiên đường đánh mất). Noah Webster phải mất ròng rã 36 năm mới soạn xong bộ từ điển Webster. 
Thậm chí thành quả nhỏ nhặt nhất cũng cần chúng ta phải nỗ lực. Và dù thành tích nhỏ bé đến đâu chăng nữa vẫn tốt hơn lời lẽ đao to búa lớn. 
Image
5. Tư cách
Tư cách bao quát tất cả các giá trị, niềm tin và nhân phẩm con người. Nó phản ánh qua cách cư xử, hành động và cần phải được giữ gìn hơn bất kỳ thứ châu báu quý giá nào trên đời.  Làm người thành công phải có tư cách. George Washington từng nói: “Hy vọng tôi sẽ luôn có sự kiên định và phẩm chất để giữ vững điều tôi cho là quý giá nhất trong mọi danh hiệu được ban cho con người, đó chính là tư cách của một người chân chính”.
Kết quả bỏ phiếu hay công luận không quyết định tiến trình lịch sử mà chính tư cách của nhà lãnh đạo mới quyết định điều đó. Đường tới thành công luôn có nhiều cạm bẫy, vì vậy mỗi người cần giữ tư cách và đừng để mình sa ngã. Bên cạnh đó cần phải giữ vững lập trường để không nản lòng trước những lời lẽ chỉ trích, phê phán.
Tại sao người ta đều thích thành công nhưng lại ghét người thành công? Mỗi khi có ai đó vươn lên, họ lại tìm cách kéo người đó xuống. Điều này dường như đã trở thành một quy luật của cuộc sống. Trong bất kỳ nghề nghiệp nào, người thành công đều khó tránh khỏi con mắt ghen tỵ của những kẻ hẹp hòi. Không ít kẻ luôn thích chĩa mũi dùi công kích. Họ chính là người có thành quả kém cỏi nhưng lại thích lên giọng chỉ bảo, quát nạt người khác. Đối với những người này, không nên để họ làm bạn mất tập trung, xao nhãng mục tiêu. Càng đạt được nhiều thành tích, bạn sẽ càng phải đối diện với nhiều lời chỉ trích soi mói.
Chẳng ai thích bị phê bình, nhưng với những lời phê bình chân thật, ta có thể học hỏi được rất nhiều điều. Vì vậy, hãy giữ cho mình bản lĩnh để không nản lòng trước những lời chỉ trích, đồng thời phải biết lắng nghe và rút kinh nghiệm. Quan trọng hơn nữa, cần phải biết phân biệt đâu là lời phê bình chân thật và đâu là lời phê bình do ghen tị. Đó cũng là chìa khóa giúp ta thành công.
Như bao người khác, người thành công không thích bị chỉ trích, nhưng trước những lời phê bình có giá trị, họ biết bình tĩnh, tự chủ và chăm chú lắng nghe. Họ xin lời khuyên để cải thiện tình hình.
Tư cách là sự kết hợp của nhiều yếu tố
Tư cách là sự kết hợp giữa chính trực, vị tha, hiểu biết, niềm tin, can đảm, trung thành và tôn trọng. Người có tính cách lạc quan và giàu nghị lực thường:
  • Điềm tĩnh
  • Đĩnh đạc
  • Vững vàng, tự tin nhưng không ngạo mạn
  • Chu đáo
  • Không bao giờ viện cớ
  • Biết bỏ qua chuyện nhỏ nhặt vì sự nhã nhặn và cư xử lịch thiệp
  • Rút kinh nghiệm sai lầm quá khứ
  • Không ỷ vào tiền bạc hay dòng dõi
  • Không bao giờ tiến thân bằng cách chà đạp người khác
  • Biết nhìn vào bản chất, chứ không phải hình thức
  • Sánh bước cùng giới thượng lưu nhưng vẫn giữ được phong cách giao tiếp đại chúng
  • Lời nói dịu dàng, nụ cười đôn hậu
  • Thoải mái với chính mình và người khác
  • Giữ được phong cách tạo lợi thế chiến thắng
  • Làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống
  • Đạt được thành tích phi thường
  • Biết nhận trách nhiệm
  • Khiêm tốn
  • Giữ được bản lĩnh khi thành công cũng như khi thất bại
  • Không gây sự khó chịu
  • Tao nhã, lịch sự, không quỵ lụy
  • Thể hiện đẳng cấp nhưng không tự phụ, vênh váo
  • Có tính kỷ luật tự giác
  • Độc lập
  • Lịch thiệp trong chiến thắng và hiểu biết khi thất bại

Khó hơn cả thành công chính là xử lý thành công ấy như thế nào. Nhiều người biết cách đạt được thành công, nhưng lại không biết cách xử trí với thành quả ấy như thế nào. Qua đấy để thấy rằng năng lực cần đi đôi với tư cách. Năng lực giúp bạn đạt được thành công; tư cách giúp bạn duy trì thành công ấy.
Ta không chứng tỏ hay khám phá bản thân mà là sáng tạo và phát triển con người mình theo mẫu hình mong muốn.
Người làm vườn phải liên tục nhổ cỏ để ngăn cỏ dại không ăn hết dưỡng chất và ảnh hưởng cây cối trong vườn, tương tự, tư cách cần vun đắp từ thủa ấu thơ cho đến lúc lìa đời. Hãy liên tục xây dựng và phát huy tư cách bằng cách loại bỏ những lỗi lầm của mình.
Nghịch cảnh tạo nên/thể hiện tư cách
Trước sóng gió, có người bứt phá ngoạn mục, lại có người suy sụp. John F.Kennedy từng nói rằng dấu ấn của tư cách thể hiện khi người ta hành xử hiệu quả trước những khó khăn. Khi mọi chuyện tiến triển tốt đẹp, việc thể hiện tư duy logic, tác phong đĩnh đạc và lịch thiệp là chuyện hết sức bình thường. Nhưng ngược lại, nếu nảy sinh vấn đề và bản thân phải chịu nhiều áp lực, không phải ai cũng có thể suy nghĩ sáng suốt và đối xử với người khác trân trọng. Do đó, có thể nói rằng nghịch cảnh cho thấy tư cách của con người.

Image
6. Niềm tin tích cực
Tư duy tích cực và niềm tin tích cực khác nhau thế nào? Nếu biết lắng nghe tiếng nói của lòng mình, ta sẽ có được điều gì? Đó là suy nghĩ tích cực hay tiêu cực? Bạn đang lập trình tư duy của mình vì mục tiêu chiến thắng hay thất bại? Cách nghĩ chi phối rất nhiều đến cách thể hiện và thành tích của bạn.

Thái độ tích cực và động cơ hành động là sự chọn lựa ta nên đề ra mỗi ngày. Không dễ sống cuộc đời tích cực; nhưng cuộc đời tiêu cực cũng không dễ dàng. Tư duy tích cực giúp bạn phát huy tối đa khả năng bản thân.
Niềm tin tích cực không đơn thuần là tư duy tích cực mà là thái độ tự tin dựa trên cơ sở vững chắc nào đó.
Có thái độ tích cực mà không nỗ lực thì chẳng khác nào đang nuôi một giấc mơ hão huyền. Câu chuyện sau đây sẽ giúp bạn thấy giá trị của niềm tin tích cực.
Nhiều năm trước hãng Lockheed tung ra chiếc máy bay Tristar đời L-1011. Để đảm bảo an toàn và kiểm tra công suất động cơ, họ cho thử nghiệm bay trong điều kiện khắc nghiệt nhất suốt 18 tháng, chương trình này tiêu tốn đến 1,5 tỉ đô-la. Đòn bẩy thủy lực, bộ cảm ứng điện tử và máy tính kiểm tra vận tốc máy ròng rã suốt 36.000 lượt bay mô phỏng (tương đương 100 năm sử sụng máy bay) và không có một lỗi chức năng nào. Cuối cùng, sau hàng ngàn thử nghiệm, chiếc máy bay đã được đóng dấu phê chuẩn.
Tập đoàn Lockheed có lý do cho niềm tin của mình không? Chắc chắn có. Có rất nhiều lý do để họ tin tưởng chiếc máy bay này rất an toàn khi sử dụng, vì họ đã đầu tư mọi nỗ lực vào 
Image
7. Cho nhiều hơn nhận
Nếu muốn thăng tiến, bạn hãy cố gắng nhiều hơn nữa. Điều này không nhất thiết bạn phải cạnh tranh với người khác mà vấn đề là bạn có sẵn lòng làm nhiều hơn một chút so với mức lương mình nhận được hay không?

Hầu hết mọi người không mấy hứng thú với công việc mình đang được trả lương, một số người lại chỉ muốn làm với định mức trung bình. Họ làm đúng hạn mức chỉ định để giữ việc làm. Chỉ có một số rất ít là nỗ lực nhiều hơn so với đồng lương được hưởng. Khi nỗ lực như vậy, những gì họ nhận được đó là:
  • Nâng cao giá trị bản thân dù công việc và hoàn cảnh thế nào đi nữa
  • Tăng sự tự tin
  • Được mọi người coi trọng
  • Được mọi người tin cậy
  • Cấp trên bắt đầu quý mến
  • Có được niềm tin và sự gắn bó từ cấp trên cũng như thuộc cấp
  • Phát huy tinh thần hợp tác
  • Đem lại niềm tự hào và mãn nguyện
Ở bất cứ môi trường làm việc nào cũng cần người chăm chỉ dù tuổi tác, kinh nghiệm hay trình độ văn hóa của họ thế nào chăng nữa. Người chăm chỉ:
  • Có thể làm việc không cần giám sát
  • Đúng giờ và chu đáo
  • Chăm chú lắng nghe, thực hiện chính xác hướng dẫn của cấp trên
  • Trung thực
  • Không bực mình khi được yêu cầu cần giúp đỡ trong hoàn cảnh cấp bách
  • Tập trung vào kế hoạch làm việc hơn là nhiệm vụ được giao
  • Vui vẻ và lịch thiệp
Hãy giữ nhiệt tình cho đi nhiều hơn mong đợi của khách hàng, bạn bè, vợ(chồng), bố mẹ, hoặc con cái. Mỗi khi làm gì đó, hãy tự hỏi: “Làm sao để việc mình làm có giá trị hơn nữa?” hay “Mình nên chuyển những điều tốt đẹp ấy đến người khác bằng cách nào? ”.
Bí quyết thành công có thể gói gọn trong bốn từvà hơn thế nữa. Người thành công làm việc họ buộc phải làm - và hơn thế nữa. Người thành công lịch thiệp, phóng khoáng – và hơn thế nữa. Người thành công được tin cậy - và hơn thế nữa. Người thành công đầu tư 100% -và hơn thế nữa.
Không ít người mặc dù rất thông minh, có thành tích học tập xuất sắc, nhưng lại thất bại trong cuộc sống. Lý do là vì họ chỉ giỏi chỉ trích tại sao chuyện này, chuyện nọ không như mong muốn, cũng từ đó mà nảy sinh thái độ sống tiêu cực. Họ không muốn làm việc theo mức lương được hưởng hoặc chỉ muốn làm cho có.
Khi cho đi hoặc làm nhiều hơn mức lương được nhận, ta đã loại bỏ sự cạnh tranh từ người khác. Thực vậy, nhân tố cạnh tranh nằm ngay trong bản thân ta. So với trí thông minh hay bằng cấp chuyên môn, thái độ cạnh tranh với chính mình quan trọng hơn rất nhiều.

Image
8. Sức mạnh lòng kiên trì
“Không gì thay thế được lòng kiên trì. Tài năng cũng không, bởi lẽ cuộc sống có rất nhiều người tài giỏi mà không thành công. Năng khiếu cũng không, vì rất nhiều thiên tài không được công nhận. Giáo dục cũng không, vì thế gian đầy ắp những người có học nhưng không được tuyển dụng và nhìn nhận. Chỉ có sự kiên trì và lòng quyết tâm là thể hiện được sức mạnh vô hạn.”
-Calvin Coolidge-

Hành trình phấn đấu trở thành người như mẫu hình mong muốn không dễ dàng. Có rất nhiều chông gai, trở ngại. Người chiến thắng có thể vượt qua và phục hồi sinh lực với quyết tâm thậm chí còn hơn mạnh mẽ hơn ban đầu.
Có người hỏi Fritz Kreisler – nghệ sĩ violin thiên tài rằng: “Làm sao ngài có thể chơi nhạc hay như vậy? Có phải do may mắn không?”. Ông đáp: “Đó là nhờ khổ luyện. Nếu một tháng không tập luyện, khán giả sẽ nhận thấy tiếng đàn của tôi có sự khác biệt. Nếu bỏ không tập luyện một tuần vợ tôi sẽ nhận ra sự đổi khác. Nếu tôi không tập luyện trong một ngày chính tôi sẽ nhận ra sự khác biệt”.
Sự kiên trì bắt đầu từ cam kết nỗ lực và quyết tâm. Sự nhẫn nại đem đến niềm vui riêng của nó. Vận động viên đầu tư rất nhiều năm khổ luyện chỉ một vài phút chinh phục đỉnh cao.
Sự kiên trì thể hiện ở tinh thần quyết tâm hoàn thành công việc mình đã chọn. Những lúc kiệt sức ta thường muốn bỏ cuộc. Với người thành công thì khác. Họ biết chịu đựng và hoàn thành việc mà họ đã bỏ ra công sức. Có những người thoạt tiên khởi đầu rất tốt nhưng khi gặp trở ngại, họ lại chùn bước, kết quả là họ chẳng bao giờ làm trọn vẹn việc gì cả.
Sự kiên trì được động viên nhờ mục đích mà ta muốn đạt được. Cuộc đời không có mục đích giống như sống mòn. Người không có mục đích sẽ không bao giờ trải nghiệm được cảm giác mãn nguyện trong đời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét