Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

20 Lý do khiến bạn không thành công (1)


Image
“Hạn chế duy nhất cản trở hành động của chúng ta là chính là sự ngờ vực”
-Franklin D. Roosevelt-
Nếu chúng ta vừa lái xe vừa giữ phanh thì kết quả sẽ thế nào? Chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được tốc độ tối đa. Đây chưa kể là xe sẽ bị nóng máy và mau hỏng vì lực cản của phanh khi ấy ảnh hưởng không tốt cho động cơ.
 
Trong cuộc sống nhiều người trong chúng ta thường đạp phanh giống như vậy. “Phanh” ở đây có thể là những nhân tố ngăn cản thành công như sợ hãi, chần chừ, thiếu tự tin về thành tích đạt được,… Cách nhả phanh cảm xúc tốt nhất là xây dựng thái độ tích cực, biết nhìn nhận về bản thân qua việc gánh vác trách nhiệm.
Sau đây là 20 nhân tố khiến bạn dễ thất bại. Biết nỗ lực khắc phục chúng, bạn mới có thể loại bỏ những chiếc phanh đang kìm hãm bạn thành công.
1. Không sẵn lòng mạo hiểm
Thành công buộc phải mạo hiểm có tính toán. Mạo hiểm không có nghĩa là đánh bạc một cách ngu ngốc và hành xử vô trách nhiệm. Người ta đôi khi vẫn hiểu nhầm hành vi vô trách nhiệm và cẩu thả là mạo hiểm. Điều này dẫn đến những kết quả tiêu cực hoặc thói quen đổ lỗi rằng mình xui xẻo.
Mạo hiểm mang ý nghĩa tương đối. Mỗi người có cách hiểu khác nhau về rủi ro và điều đó phản ánh quá trình rèn luyện của họ. Ai cũng cho rằng leo núi là môn thể thao mạo hiểm, nhưng với người có tập luyện trước, đó không phải là sự mạo hiểm thiếu chuẩn bị. Mạo hiểm có chuẩn bị là mạo hiểm dựa trên nền tảng kiến thức, rèn luyện, nghiên cứu cẩn thận, lòng tự tin và năng lực, đó là các nhân tố giúp chúng ta hành động khi đối mặt với sợ hãi. Người không bao giờ thử bất cứ chuyện mạo hiểm nào thì chắc chắn không bao giờ phạm lỗi. Tuy nhiên, không dám mạo hiểm thường lại là sai lầm lớn hơn cả việc thử và bị thất bại.
ImageTính do dự tạo ra một thói quen xấu và ảnh hưởng đến người khác. Nhiều cơ hội bị vuột mất chỉ vì thiếu quả quyết. Hãy mạo hiểm nhưng đừng mang tâm trạng của kẻ đánh bạc. Người mạo hiểm tiến lên với con mắt mở to, trong khi đó kẻ đánh bạc chỉ biết tung vốn liếng của mình trong bóng tối.
Có người hỏi bác nông dân kia rằng bác có định trồng lúa mỳ trong vụ này không. Bác bảo: “Không, tôi e trời không mưa đâu”. Người kia hỏi tiếp: “Vậy trồng bắp không?”. Bác nông dân đáp: “Không, tôi lo côn trùng phá hết”. Cuối cùng người kia hỏi: “Vậy bác trồng cây gì?”. Bác nông dân trả lời: “Không cây gì cả. Vậy chắc hơn”.


NGUY CƠ
Cười có nguy cơ bị cho là vô duyên.
Khóc có nguy cơ bị cho là yếu đuối.
Tiếp xúc với người khác có nguy cơ bị dính líu
Thể hiện cảm xúc có nguy cơ bộc lộ cái tôi đích thực của mình.
Trình bày ý tưởng, mơ ước trước đám đông có nguy cơ đánh mất chúng.
Yêu có nguy cơ không được đền đáp tình yêu.
Sống có nguy cơ phải chết
Hy vọng có nguy cơ thất vọng
Thử sức có nguy cơ thất bại.
Nhưng phải chấp nhận nguy cơ vì nguy cơ lớn nhất trong đời chính là
không mạo hiểm chuyện gì cả.
Họ có thể né đau khổ và buồn phiền, nhưng không được học hỏi, cảm nhận,
thay đổi, trưởng thành, yêu thương hoặc sống trọn vẹn.
Họ là nô lệ bị giam hãm bởi chính thái độ của mình,
Họ đã tước mất tự do của bản thân.
Chỉ người mạo hiểm mới được tự do.

3 nhận xét: